Hotline

0902158663
MENU
0
23/09/2023 - 4:31 PMedallyhanquoc.vn 168 Lượt xem

Đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2, đái tháo đường thai kỳ gây ra các biến chứng cấp tính nguy hiểm của đái tháo đường như: hạ đường huyết, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan ceton, nhiễm trùng… và những biến chứng mạn tính như bệnh thần kinh ngoại biên, suy thận, nhiễm trùng bàn chân và các vết loét do đái tháo đường.

Ngoài ra, đái tháo đường còn gây bệnh tuyến giáp (bướu nhân, nang tuyến giáp, bệnh Basedow, cường giáp, suy giáp, bão giáp, viêm tuyến giáp…). Bệnh tuyến thượng thận (suy tuyến thượng thận, suy vỏ thượng thận cấp, u tuyến thượng thận, hội chứng cushing, hội chứng Conn…). Bệnh tuyến yên (u tuyến yên tiết, suy tuyến yên, đái tháo nhạt…) và các bệnh khác: chậm tăng trưởng chiều cao, béo phì và bệnh nội tiết liên quan đến chuyển hóa…

Giải đáp thắc mắc về bệnh đái tháo đường

Giải đáp thắc mắc về bệnh đái tháo đường

1. Người bệnh đái tháo đường có cần dùng thuốc bổ gan?

Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường khi được hỏi đang điều trị thuốc gì thì sẽ lôi ra 1 hộp thuốc “bổ gan”. Điều tra thì thấy trong đơn thuốc không có mà là bệnh nhân tự mua vì thấy người bán thuốc “dọa” là bác uống nhiều thuốc đái tháo đường rồi thuốc mỡ máu, huyết áp... thế thì sẽ bị “hại gan” nên sợ quá, mua liền 2-3 loại thuốc “bổ gan” về uống. Việc tự dùng các thuốc “bổ gan” có thể thành “đại hại” vì:

  • Các thuốc đái tháo đường, huyết áp hay mỡ máu... khi được FDA (Mỹ) cấp phép cho lưu hành trên thị trường đều đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt chứng minh tính an toàn. Nguy cơ bị tác dụng phụ trên gan là cực thấp nên sẽ không cần uống thuốc “bổ gan” cùng.

  • Một nghiên cứu trên 180.000 bệnh nhân, điều trị thuốc mỡ máu Statin trong vòng 3 năm thấy chỉ có 300 người bị tăng men gan nhẹ (ở mức dưới 3 lần bình thường) trong khi đó ở nhóm so sánh, không dùng thuốc gì, cũng có 200 người bị tăng men gan.

  • Trường hợp nếu thuốc có tác dụng phụ gây tăng men gan thì việc đầu tiên cần làm là phải ngừng thuốc ngay. Khi đó, men gan sẽ tự trở về bình thường.

  • Nhiều bệnh nhân đái tháo đường có tăng men gan là do gan nhiễm mỡ không do rượu, và điều trị thuốc mỡ máu Statin cùng kiểm soát tốt cân nặng, đường huyết... lại có tác dụng làm giảm men gan rất ngoạn mục.

  • Một số bệnh nhân đái tháo đường có tăng men gan là do viêm gan virus. Nếu bệnh nhân dùng thuốc “bổ gan” mà không chữa viêm gan virus thì bệnh sẽ càng nặng hơn mà thôi.

  • Nhiều người mải nghe lời đồn, chỉ quan tâm dùng các loại thuốc “bổ gan” hay thuốc “chữa biến chứng” mà không chú tâm dùng thuốc hạ đường huyết, hạ huyết áp hay mỡ máu... thì sẽ rất nhanh chóng bị các biến chứng.

  • Các thuốc được quảng cáo là “bổ gan” thường khá đắt tiền, mà tác dụng lại chưa được chứng minh rõ ràng. Cẩn thận, bệnh nhân có thể bị tăng men gan, viêm gan do chính các loại thuốc “bổ gan” không rõ nguồn gốc

2. Bỏ thuốc điều trị bệnh đái tháo đường có sao không?

Chả sao cả. Người bệnh đái tháo đường typ 2 có thể bỏ 1-2 tháng, thậm chí 6 tháng cũng không sao. Nhưng sau 6 tháng hoặc 1 năm thì sẽ biết tay ngay. Hãy nhớ rằng 5 năm đầu sau khi bị bệnh đái tháo đường là thời gian vàng, nghĩa là chi phí điều trị không nhiều nhưng hiệu quả (phòng ngừa hoặc hạn chế biến chứng) là rất tốt. Sau 5 năm thì các biến chứng như suy thận, mờ mắt, đau rát chân hoặc tệ hơn là nhồi máu cơ tim, đột quỵ sẽ bắt đầu xuất hiện, lúc đó có khi đổ cả đống tiền vào cũng không thể có được cuộc sống bình thường vì các biến chứng của đái tháo đường, một khi đã xuất hiện thì sẽ tồn tại mãi và sẽ nặng dần hơn, chỉ là nhanh hay chậm mà thôi.

3. Thiết bị đo đường huyết không xâm lấn liệu có thể sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường?

Cảm biến glucose không xâm lấn được định nghĩa là kỹ thuật đo được nồng độ glucose trong máu mà không cần lấy máu hoặc đưa thiết bị đo vào trong cơ thể. Mục tiêu là có được nồng độ đường huyết mà không gây đau đớn, không cần đâm kim qua da. Các phương pháp tiếp cận bao gồm (1) quang phổ, (2) trở kháng sinh học, (3) chụp cắt lớp kết hợp quang học, (4) chụp ảnh thể tích, (5) thiết bị plasmonic, (6) thiết bị đa cảm biến hoặc đo trực tiếp glucose không xâm lấn trong các dịch lỏng như nước mắt hoặc mồ hôi. Trong đó Quang phổ học là phương pháp phổ biến và bao gồm các kỹ thuật liên quan đến quang phổ hấp thụ trên bước sóng cận hồng ngoại và trung hồng ngoại, quang phổ tán xạ Raman và quang phổ vi sóng. Các phép đo không xâm lấn theo phương pháp soi quang phổ này, có liên quan đến việc truyền bức xạ điện từ không ion hóa qua da và sau đó chiết xuất nồng độ glucose từ quang phổ thu được bằng cách sử dụng các phương pháp đo hóa trị đa biến. Nồng độ glucose có được từ các phép đo hồng ngoại gần, hồng ngoại giữa và Raman bắt nguồn từ các chế độ rung độc đáo trong cấu trúc hóa học của phân tử glucose.

Cho đến nay, chưa có thiết bị đo glucose không xâm lấn nào được FDA (Hoa Kỳ) chấp thuận. Có rất nhiều tài liệu về kết quả các máy đo glucose không xâm lấn từ các Công ty dụng cụ y tế hoặc Công ty cơ khí. Nhìn chung, các hệ thống này chưa đủ khả năng đo chính xác nồng độ glucose sau khi hiệu chuẩn, thường được thực hiện khi đo nồng độ đường huyết trong quá trình làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, do đó rất ít được sử dụng trong lâm sàng. Các nghi ngờ là về (a) mô hình hóa quá mức dữ liệu hiệu chuẩn, (b) sự dao động quá lớn liên quan đến các loại da và (c) sự kém đặc hiệu của các phương pháp gián tiếp (tín hiệu đo được không bắt nguồn trực tiếp từ các phân tử glucose, mà phản ánh tác động thứ cấp của nồng độ glucose qua các thông số đo được, ví dụ như sự thay đổi nhịp tim.

Gần đây, người ta đã chú ý nhiều đến phép đo glucose trong nước mắt. Sử dụng một chất cảm biến sinh học glucose được in trên màn hình hoặc một vật liệu tinh thể dạng keo có thể đặt vào mặt trong của kính áp tròng để đo nồng độ glucose trong dịch nước mắt. Tuy nhiên một câu hỏi quan trọng chưa được trả lời là: Liệu nồng độ glucose trong nước mắt có tương quan đủ chặt với nồng độ glucose máu để đưa ra các quyết định lâm sàng không? Cho đến nay, các nghiên cứu về mối tương quan giữa nồng độ glucose trong máu và nước mắt ở cả người và động vật đều không đưa ra được kết luận.

Vì vậy ở thời điểm này không khuyến cáo sử dụng các hệ thống đo đường huyết không xâm lấn để thay thế cho các kỹ thuật đo đường huyết mao mạch hoặc đo đường huyết liên tục (CGM). Bằng chứng mức C (thấp) có nghĩa là cần thêm dữ liệu.

4. Chẩn đoán bệnh đái tháo đường bằng cách nào?

Theo hướng dẫn của Hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) thì có thể chẩn đoán đái tháo đường (ĐTĐ) trong 4 tình huống sau:

  • HbA1c ≥ 6.5%.

  • Glucose máu đói ≥ 7.0 mmol/L (126 mg/dL).

  • Glucose máu 2h sau làm nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 11.1 mmol/L (200 mg/dL).

Bệnh nhân có các triệu chứng kinh điển của đái tháo đường (uống nhiều, đái nhiều, gày sút), và glucose máu bất kỳ ≥11.1 mmol/L (200 mg/dL).

Nếu bệnh nhân có triệu chứng tăng đường huyết rõ hoặc xét nghiệm đồng thời cả glucose máu và HbA1C đều cao hơn ngưỡng trên thì có thể chẩn đoán đái tháo đường ngay. Nếu không thì cần có xét nghiệm khẳng định chẩn đoán đái tháo đường, bằng 1 trong 2 cách:

Làm lại xét nghiệm (glucose hoặc HbA1C) trước đó đạt tiêu chuẩn đái tháo đường vào ngày hôm sau

Hoặc làm xét nghiệm khác với xét nghiệm trước đó đạt tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường, ví dụ ban đầu glucose máu cao thì xét nghiệm HbA1C để khẳng định. Còn nếu ban đầu HbA1C cao thì xét nghiệm glucose để khẳng định chẩn đoán đái tháo đường.

5. Điều trị bệnh đái tháo đường typ 2 bằng insulin có cần thêm thuốc uống?

Khá nhiều bệnh nhân đái tháo đường type 2 được cho điều trị duy nhất bằng insulin đến 4 mũi/ngày, với liều khá cao nhưng vẫn không kiểm soát được đường huyết, HbA1C vẫn khá cao. Ngược lại có một số bệnh nhân lại bị hạ đường huyết. Phương pháo này có gì không chuẩn?

Chúng ta đều biết cơ chế chính gây đái tháo đường type 2 là do đề kháng insulin, thực chất là giảm tác dụng của insulin, hậu quả là các mô không sử dụng được glucose, còn gan lại tăng sản xuất glucose mới, dẫn đến làm tăng đường huyết. Để khắc phục tình trạng đề kháng insulin này, tụy sẽ tăng tiết insulin nhiều hơn để bù đắp cho sự giảm tác dụng của insulin. Một số bệnh nhân được chỉ định dùng các thuốc như Sulfonylurea (glicalzide hay glimepiride) để kích thích tụy làm việc nhiều hơn nữa. Nhưng làm việc gắng sức kéo dài sẽ làm tụy bị suy kiệt dần, và sau khoảng vài năm, khả năng sản xuất insulin của tụy bị giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu hụt insulin nặng. Khi đó, để kiểm soát đường huyết, chúng ta cần đưa insulin từ bên ngoài vào thay thế, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm 1 hoặc nhiều mũi insulin mỗi ngày.

Dù đã phải điều trị insulin nhưng tình trạng kháng insulin vẫn còn tồn tại nên bệnh nhân đái tháo đường type 2 cẫn cần dùng các thuốc có tác dụng làm giảm đề kháng insulin (nếu không có chống chỉ định), để giúp insulin đưa từ bên ngoài vào hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Các thuốc có tác dụng làm giảm kháng insulin (hay còn gọi là làm tăng nhạy cảm với insulin) là nhóm Metformin (vd Glucophage), TZD (vd Pioglitazone) hay ức chế DPP-4… Nhờ đó tránh được việc phải dùng liều insulin quá cao, hạn chế nguy cơ hạ đường huyết. Ngoài ra các thuốc khác như ức chế SGLT-2 hay Acarbose có thể dùng phối hợp với insulin vì nó có tác dụng làm giảm đường huyết độc lập với insulin.

Điều trị bệnh đái tháo đường typ 2 bằng insulin có cần thêm thuốc uống không?

Điều trị bệnh đái tháo đường type 2 bằng insulin có cần thêm thuốc uống không?

6. Điều trị đau do biến chứng thần kinh ngoại biên đái tháo đường thế nào?

 

Điều trị đau do biến chứng thần kinh ngoại biên (TKNB) trong bệnh đái tháo đường thường liên quan đến việc kiểm soát đường huyết và giảm thiểu các triệu chứng đau. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

6.1. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ đái tháo đường và thay đổi lối sống:

  • Kiểm soát đường huyết tối ưu.

  • Kiểm soát tối ưu các yếu tố nguy cơ tim mạch.

6.2. Điều trị đái tháo đường bằng thuốc:

  • Có 3 nhóm thuốc là (1) thuốc giảm đau TK như Pregabalin hoặc Gabapentin); (2) Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitrityline hoặc Nortriptylin) và (3) thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin và norepinephrine (Duloxetine hoặc Venlafaxine).

  • Nếu đáp ứng 1 phần: Phối hợp 2 nhóm thuốc trên. Nếu cần, có thể phối hợp 3 nhóm thuốc trên.

  • Nếu không có hiệu quả hoặc không dung nạp được: Đổi nhóm thuốc.

  • Nếu khôgn đỡ: Điều trị hỗ trợ thêm bằng tấm dán Capsaicin 8% hoặc tấm dán Lidocaine 5%. Có thể cho uống viên giảm đau Tramadol trong thời gian ngắn.

6.3. Các biện pháp điều trị đái tháo đường không dùng thuốc:

7. Điều trị bệnh đái tháo đường có được dùng 2 thuốc cùng nhóm?

Thỉnh thoảng vẫn gặp những bệnh nhân được kê đơn có 2 thuốc hạ đường huyết cùng nhóm, phổ biến là 2 loại thuốc Sulfonylurea. Thậm chí như bệnh nhân dùng 2 loại thuốc đều là Gliclazide, nhưng có tên thương mại khác nhau là Diamicron và Golldicron.

Hiện ở Việt Nam có 7 nhóm thuốc thuốc hạ đường huyết uống (Metformin, Sulfonylurea, Glinide, TZD, Acarbose, ức chế DPP-4 và ức chế SGLT-2). Các thuốc này đều có thể phối hợp với nhau trong các phác đồ từ 2-6 loại thuốc uống, và có thể phối hợp với 1 hoặc 2 loại thuốc tiêm là insulin và đồng vận thụ thể GLP-1. Tuy nhiên cũng giống như thuốc kháng sinh, nguyên tắc dùng thuốc đái tháo đường là không được phối hợp 2 thuốc cùng nhóm hoặc 2 thuốc khác nhóm nhưng có cơ chế tương tự nhau, như Sulfonylurea và Glinide.  Có lẽ do thuốc nhóm Sulfonylurea có giá rẻ, hiệu quả cao lại dễ mua nên hay bị kê nhầm 2 thuốc cùng nhóm nhất. Các BS cần lưu ý đuôi tên gốc của các thuốc giống nhau là thuộc cùng 1 nhóm. Ví dụ:

  • Nhóm Sulfonylurea có đuôi ide: Gliclazide, Glimepiride, Glibencalmide, Glipizide.

  • Nhóm ức chế DPP-4 có đuôi gliptin: Sitagliptin, Vildagliptin, Linagliptin.

  • Nhóm ức chế SGLT-2 có đuôi flozin: Empagliflozin, Dapagliflozin, Canagliflozine.

  • Như vậy, không được dùng 2 thuốc đái tháo đường cùng nhóm.

8. Vì sao bệnh nhân đái tháo đường cần biết thông số HbA1C của mình?

HbA1 là thông số phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết trong vòng 3 tháng trước đó, và mục tiêu này ở các bệnh nhân đái tháo đường phải là < 7%. HbA1C cao hơn phối hợp với tăng nguy cơ bị các biến chứng mờ mắt, suy thận, thần kinh, hôn mê nhiễm toan và các biến chứng tim mạch. Vì vậy các bệnh nhân đái tháo đường cần biết chính xác kết quả HbA1C của mình để điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc.

Tuy nhiên Khảo sát quốc gia về Dinh dưỡng và Sức khỏe ở Mỹ trên 2.723 bệnh nhân đái tháo đường người lớn, tuổi trung bình là 60, trong thời gian từ 2013 - 2020 lại cho kết quả khá thất vọng:

  • 22% số bệnh nhân không biết kết quả xét nghiệm HbA1C mới nhất của mình là bao nhiêu

  • Trong số những người biết kết quả HbA1C thì có tới 48% số người nhớ sai, chênh lệch > 0,5% so với kết quả thực của họ

  • 9% số bệnh nhân không biết Bác sỹ bảo họ cần đạt mức HbA1C nào

  • Đa số những bệnh nhân không biết kết quả HbA1C là những người có thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp

  • Ở Việt Nam chúng tôi ước tính có khoảng 1/3 đến 1/2 số bệnh nhân đái tháo đường không được làm xét nghiệm HbA1C trong ít nhất 6 tháng.

Như vậy rõ ràng là các thầy thuốc Nội tiết còn cần phải giáo dục nhiều và kỹ hơn cho các bệnh nhân đái tháo đường

9. Nên điều trị bệnh đái tháo đường tích cực đến đâu?

Để đạt mục tiêu HbA1C, các bệnh nhân thường được cho điều trị tích cực nên cái giá phải trả là bị hạ đường huyết. Để tránh bị hạ đường huyết, bệnh nhân cần được sử dụng các thuốc ít gây hạ đường huyết (nhưng lại là các thuốc đắt tiền), đo đường huyết mao mạch thường xuyên hoặc đeo máy đo đường huyết liên tục (CGM), chế độ ăn ổn định... tóm lại phải là những người thuộc dạng “có điều kiện”. Còn không thì bệnh nhân nên chấp nhận đường huyết và HbA1C có thể cao hơn mục tiêu chút xíu, ví dụ HbA1C < 7,5%, nhưng sẽ hạn chế được nguy cơ bị hạ đường huyết. Tất nhiên họ sẽ dễ bị các biến chứng mạn tính của đái tháo đường hơn.

Mục tiêu HbA1C là bao nhiêu còn phụ thuộc trình độ Bác sỹ. Tai Hội nghị ADA ở Sans Francisco năm 2019, có cuộc tranh luận giữa 2 vị đại diện cho Hội đái tháo đường Hoa Kỳ - ADA của các Bác sỹ chuyên khoa (đặt mục tiêu HbA1C < 7,0%) và Hội thầy thuốc Hoa kỳ - ACP của các Bác sỹ nội khoa (đặt mục tiêu HbA1C < 7,5%). Sau một hồi tranh cãi họ thống nhất được điểm chung là mục tiêu điều trị tùy từng bệnh nhân cụ thể.

10. Xét nghiệm gen có thể giúp dự phòng bệnh đái tháo đường type 2 không?

Chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường type 2 là rất quan trọng để ngăn ngừa hoặc làm nhẹ các biến chứng của bệnh. Các khuyến nghị sàng lọc bệnh đái tháo đường type 2 hiện tại dựa trên các yếu tố nguy cơ truyền thống, chủ yếu là chỉ số khối cơ thể (BMI) và tiền sử gia đình, tuy nhiên yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Tuy nhiên chưa rõ là khuynh hướng di truyền có làm thay đổi tác động của các nguy cơ truyền thống nói trên đối với nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 hay không.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 431.658 người từ 40-69 tuổi, đa sắc tộc có dữ liệu từ Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh. Các nhà khoa học đã sử dụng bảng điểm đa gen sắc tộc với nguy cơ bị bệnh đái tháo đường type 2 (PRST2D) do Genomics PLC phát triển với mục đích đánh giá xem liệu nguy cơ di truyền của bệnh đái tháo đường typ 2 có làm thay đổi mối liên quan giữa BMI và tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường với 1) tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường hoặc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán; và 2) tỷ lệ mới mắc đái tháo đường typ 2.

Kết quả: Lúc bắt đầu nghiên cứu, có 43.472 người bị tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường nhưng chưa được chẩn đoán và sau 15 năm theo dõi có 17.259 người xuất hiện bệnh đái tháo đường type 2. Kết quả thấy có mối liên quan giữa điểm đa gen (PRST2D) với nguy cơ bị đái tháo đường typ 2 hoặc tiền đái tháo đường trong các phân nhóm BMI và tiền sử gia đình có người thân đời thứ nhất mắc bệnh đái tháo đường. Cụ thể: Trong nhóm 20% người có PRST2D cao nhất, nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 hoặc tiền đái tháo đường ở những người có BMI bình thường tương tự như những người có điểm PRST2D trung bình bị thừa cân. Cũng trong nhóm 20% người có PRST2D cao nhất này, nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 hoặc tiền đái tháo đường ở những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường tương tự như những người có điểm PRST2D trung bình và có tiền sử gia đình mắc đái tháo đường.

Qua nghiên cứu này có thể kết luận rằng xét nghiệm gen có thể đự doán được phần nào nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 hoặc tiền đái tháo đường. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 để lên kế hoạch phòng ngừa và chẩn đoán sớm.

Bệnh đái tháo đường chớ nên xem thường

Bệnh đái tháo đường chớ nên xem thường

11. Bệnh nhân đái tháo đường bị hôn mê: Nguyên nhân phổ biến là gì?

Bệnh nhân đái tháo đường có thể bị rối loạn ý thức, hôn mê do nhiều nguyên nhân như tai biến mạch não, tụt huyết áp tư thế, tăng áp lực thẩm thấu hoặc nhiễm toan… nhưng phổ biến nhất là hạ đường huyết xuống < 3,9 mmol/L.

Ước tính hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị hạ đường huyết ít nhất 1 lần trong đời, nhất là ở những người điều trị bằng insulin hoặc các thuốc nhóm sulfonyurea, người có suy thận… Hạ đường huyết kéo dài trên 6 giờ có thể gây tổn thương não, thậm chí chết não.

Vì vậy khi phát hiện một người đái tháo đường bị hôn mê thì người nhà cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất và báo cho nhân viên y tế biết người nhà họ bị đái tháo đường. Còn nhân viên y tế khi gặp bệnh nhân đái tháo đường bị hôn mê phải thử ngay đường huyết mao mạch, nếu thấp thì cho truyền glucose ưu trương ngay. Nếu đúng thì chỉ sau 3-5 phút bệnh nhân sẽ tỉnh. Lưu ý là đưa vào cơ sở y tế gần nhất có thể truyền được glucose đường tĩnh mạch cho bệnh nhân, không nên cầu kỳ đưa đến bệnh viện tuyến cuối. Nước xa có thể không cứu được lửa gần.

12. Độ ẩm của da ở người mắc đái tháo đường thay đổi ra sao?

Một trong những nguyên nhân loét chân khi bệnh nhân mắc đái tháo đường có thể bạn chưa biết. Bàn chân chỉ cần có một vết nứt ở da cũng là đường vào ưa thích của vi khuẩn, nó sẽ gây ra nhiễm trùng, viêm tấy và loét bàn chân của bạn. Độ ẩm của da thấp là yếu tố nguy cơ gây ra những vết nứt như vậy, và đái tháo đường là căn nguyên làm giảm độ ẩm của da. Chúng ta cùng tìm hiểu vì sao xảy ra điều này.

12.1. Cơ chế đái tháo đường làm cho da có độ ẩm thấp:

  • Khi đường máu cao, cơ thể sẽ nhanh chóng đào thải glucose và nước ra ngoài qua nước tiểu. Cơ thể sẽ cảm thấy khát nhiều hơn, nếu không bổ sung cơ thể sẽ thiếu nước. Da sẽ là tổ chức mất nước nhiều nhất để bảo vệ các tế bào quan trọng khác của cơ thể như: tim, não, thận… Da thiếu nước từ đó hình thành những vết nứt ở bàn chân.

  • Mặt khác, bệnh lý thần kinh tự chủ liên quan đến độ ẩm da thấp và các vết nứt thường được coi là phát triển ở da khô do giảm tiết mồ hôi liên quan đến bệnh thần kinh tự chủ. Tuyến mồ hôi, ngoài chức năng giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ, đào thải một số chất độc, còn giúp da giữ độ ẩm. Người mắc đái tháo đường sẽ có 20-30% có vấn đề thần kinh tự chủ điều tiết mồ hôi.

12.2. Kiểm tra độ ẩm của da ở người mắc đái tháo đường:

  • Để kiểm tra độ ẩm của da cần phải dựa vào thiết bị phân tích độ ẩm của da. Các thiết bị này sử dụng nguyên lý phân tích trở kháng điện sinh học (BIA). Hai đầu dò ở đầu của thiết bị BIA truyền dòng điện từ cảm biến này qua cảm biến khác. Độ ẩm của da được xác định bằng thời gian để dòng điện đi qua da. Kết quả sẽ hiển thị theo phần trên trên màn hình của thiết bị. Ngoài độ ẩm, máy có thẻ phân tích hàm lượng dầu và mức độ mềm mại. Nếu độ ẩm da < 20% thì có thể coi là độ ẩm thấp.

  • Tuy vậy khi không có thiết bị này, chúng ta có thể tự đánh giá độ ẩm qua biểu hiện của da. Nếu da có những dấu hiệu như: mất căng bóng, có vết nứt, độ chun dãn kém, thì có thể độ ẩm của da thấp hơn bình thường.

12.3. Cách để tránh khô da ở người mắc đái tháo đường:

  • Nên sử dụng kem dưỡng ẩm để bôi da khô cho bệnh nhân đái tháo đường. Kem dưỡng ẩm tại chỗ có lợi cho việc kiểm soát da khô, nhiều nghiên cứu cho thấy những cải thiện đáng kể về tình trạng da so với việc sử dụng kem dưỡng ẩm với kem nền giả dược. Để ngăn ngừa nứt nẻ ở bệnh nhân đái tháo đường nên được tuân thủ để có độ ẩm đề xuất cho da là 20,0%. Kem dưỡng ẩm có thể sử dụng tốt bạn có thể áp dụng

  • Ngoài ra còn một số phương pháp khác như bổ sung đủ nước, kiểm soát đường máu tốt, tránh nhiệt độ thấp sẽ giúp da giữ độ ẩm tốt hơn.

13. Bệnh nhân đái tháo đường chọn trái cây như thế nào?

Khi chọn trái cây cho bệnh đái tháo đường, điều quan trọng là phải xem xét tác động của chúng đối với lượng đường trong máu. Dưới đây là một số nguyên tắc giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt:

13.1. Bệnh nhân đái tháo đường chọn trái cây theo chỉ số đường huyết (GI):

  • Chỉ số đường huyết đo mức độ nhanh chóng của một loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu. Trái cây có GI thấp (55 hoặc ít hơn) thường tốt hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường vì chúng làm tăng lượng đường trong máu chậm hơn và từ từ hơn. Ví dụ về trái cây GI thấp bao gồm anh đào, táo, lê, quả mọng và trái cây họ cam quýt.

13.2. Bệnh nhân đái tháo đường chọn trái cây theo hàm lượng chất xơ:

  • Hãy tìm những loại trái cây có nhiều chất xơ. Chất xơ giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và làm chậm quá trình hấp thụ đường. Các loại quả mọng, táo, lê và bơ là những lựa chọn tốt vì chúng tương đối giàu chất xơ.

13.3. Bệnh nhân đái tháo đường chọn trái cây theo khẩu phần ăn:

  • Mặc dù trái cây nói chung là tốt cho sức khỏe nhưng chúng vẫn chứa đường tự nhiên, có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Điều cần thiết là quản lý khẩu phần ăn để tránh tiêu thụ quá nhiều đường. Điều độ là chìa khóa.

13.4. Bệnh nhân đái tháo đường nên tránh nước ép trái cây:

  • Nước ép trái cây có vẻ tốt cho sức khỏe, nhưng chúng có thể chứa nhiều đường và thiếu chất xơ có lợi trong trái cây nguyên trái. Nói chung tốt hơn là ăn toàn bộ trái cây thay vì uống nước ép của chúng.

13.5. Bệnh nhân đái tháo đường chọn trái cây theo phương pháp tiếp cận được cá nhân hóa:

  • Phản ứng của mỗi người đối với trái cây có thể khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi lượng đường trong máu của bạn và quan sát xem các loại trái cây khác nhau ảnh hưởng đến cá nhân bạn như thế nào. Một số người có thể dung nạp một số loại trái cây tốt hơn những loại trái cây khác.

13.6. Bệnh nhân đái tháo đường chọn trái cây theo sự đa dạng và cân bằng:

  • Thay vì chỉ dựa vào một hoặc hai loại trái cây, hãy nhắm đến sự lựa chọn đa dạng. Điều này cho phép bạn có được nhiều loại chất dinh dưỡng hơn đồng thời ngăn ngừa sự đơn điệu trong chế độ ăn uống của bạn.

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ edallyhanquoc.vn qua Hotline/Zalo: 0902.158.663 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Tin liên quan

Cách Nhận Biết Các Loại Mụn Trứng Cá Và Hướng Xử Lý Cách Nhận Biết Các Loại Mụn Trứng Cá Và Hướng Xử Lý
Mụn trứng cá là một trong những bệnh lý về da phổ biến nhất trên toàn cầu, thường bao gồm mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn ẩn, mụn viêm,... và xuất hiện...
3 Hoạt Chất Không Nên Dùng Trong Trị Nám Để Tránh Phá Hủy Làn Da 3 Hoạt Chất Không Nên Dùng Trong Trị Nám Để Tránh Phá Hủy Làn Da
Trong hành trình điều trị nám da, việc chọn lựa sản phẩm và hoạt chất phù hợp là một yếu tố quyết định. Tuy nhiên, không phải tất cả các hoạt chất đều...
Hiểm Họa Khôn Lượng Từ Corticoid Với Làn Da Và Cách Xử Lý Hiểm Họa Khôn Lượng Từ Corticoid Với Làn Da Và Cách Xử Lý
Những lời quảng cáo mật ngọt từ các sản phẩm rượu thuốc, kem trộn đã và đang tạo lên làn sóng trong làm đẹp bởi chúng đem đến sự cải thiện thiện nhanh...
Chiết Xuất Lô Hội - Thần Dược Da Di Năng Cho Làn Da Chiết Xuất Lô Hội - Thần Dược Da Di Năng Cho Làn Da
Từ 6.000 năm về thời kỳ đầu của Ai Cập, nơi mà loài cây lô hội này được khắc họa trên các bức chạm khắc trên đá. Vào năm 1820, lô hội chính thức được...
Citric Acid Có Tác Dụng Gì Với Làn Da? Citric Acid Có Tác Dụng Gì Với Làn Da?
Citric Acid/Axit Citric là một loại axit hữu cơ yếu và là một dạng của AHA. Vì axit có vị chua được chiết xuất từ các loại trái cây như chanh, cam, quýt và bưởi,...
Tế Bào Lympho T - Chiến Binh Thầm Lặng Của Làn Da Tế Bào Lympho T - Chiến Binh Thầm Lặng Của Làn Da
Tế bào lympho T hay còn gọi là tế bào T - là một loại bạch cầu chính thuộc dòng tế bào lympho trong hệ miễn dịch của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong hệ...
Tranexamic Acid Là Gì Và Có Tác Dụng Gì Với Làn Da? Tranexamic Acid Là Gì Và Có Tác Dụng Gì Với Làn Da?
Tranexamic Acid là một dạng amino acid có tên là Lysine. Trước đây, các nhà bào chế thường dùng thành phần này với tác dụng cầm máu ở đường uống. Từ sau năm...
Quá Trình Tái Tạo Da Diễn Ra Như Thế Nào? Quá Trình Tái Tạo Da Diễn Ra Như Thế Nào?
Bạn có bao giờ để ý những chiếc mụn thâm vào một ngày đẹp trời bỗng nhiên biến mất mặc dù mình không tác động gì vào nó cả....
Lớp Biểu Bì - Tấm Khiên Bảo Vệ Làn Da Lớp Biểu Bì - Tấm Khiên Bảo Vệ Làn Da
Biểu bì là một hàng rào chống lại các tác nhân từ môi trường hóa học, vật lý và vi sinh vật. Ngoài vai trò cơ học của nó, lớp biểu bì còn bảo vệ các mô...
Tầm Quan Trọng Của Việc Xây Dựng Chu Trình Chăm Sóc Da Tại Nhà Tầm Quan Trọng Của Việc Xây Dựng Chu Trình Chăm Sóc Da Tại Nhà
Theo số liệu được ghi nhận trên những case lâm sàng tại các cơ sở sau khi sử dụng liệu trình chuyên nghiệp, có khoảng 60% ca thành công nhờ việc kết hợp cả...

Chia sẻ bài viết: 



Bình luận:

Danh mục sản phẩm

5 Thành Phần Acid Vàng Trong Mỹ Phẩm Giữ Gìn Làn Da Không Tuổi 5 Thành Phần Acid Vàng Trong Mỹ Phẩm Giữ Gìn Làn Da Không Tuổi
Với các tín đồ làm đẹp, trong quy trình skincare chống lão hóa thì việc hiểu rõ về các thành phần Acid tự nhiên trong mỹ phẩm sẽ giúp bạn đạt được làn da...

10 Lý Do Bạn Nên Thoa Kem Chống Nắng Mỗi Ngày 10 Lý Do Bạn Nên Thoa Kem Chống Nắng Mỗi Ngày
Da sạm nám, lão hóa nhanh, dễ kích ứng và nổi mụn phần lớn cũng đến từ việc chúng ta không bảo vệ hằng ngày với kem chống nắng.

Cách Chăm Sóc Da Theo Từng Độ Tuổi Cách Chăm Sóc Da Theo Từng Độ Tuổi
Trong hành trình chăm sóc sắc đẹp, việc hiểu rõ và áp dụng các bí kíp chăm sóc da phù hợp với từng độ tuổi là chìa khóa để có làn da mịn màng, rạng rỡ...

3 Biến Chứng Tiểu Đường Thường Gặp Trong Mùa Lạnh Và Cách Phòng Ngừa 3 Biến Chứng Tiểu Đường Thường Gặp Trong Mùa Lạnh Và Cách Phòng Ngừa
Thời tiết chuyển lạnh khiến cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để giữ ấm, do vậy người bệnh tiểu đường thường có cảm giác đói và thèm ăn nhanh hơn, dẫn...

Thực Phẩm Tốt Cho Người Bệnh Lý Tuyến Giáp Ngày Lễ Tết Thực Phẩm Tốt Cho Người Bệnh Lý Tuyến Giáp Ngày Lễ Tết
Với những người mắc các bệnh về tuyến giáp như suy tuyến giáp, u tuyến giáp, rối loạn tuyến giáp, hay ung thư tuyến giáp... thường mất nhiều thời gian điều...

5 Nguyên Tắc Chăm Sóc Sức Khỏe Cho Bà Bầu Trong Kỳ Nghỉ Lễ Dài Ngày 5 Nguyên Tắc Chăm Sóc Sức Khỏe Cho Bà Bầu Trong Kỳ Nghỉ Lễ Dài Ngày
Trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán dài ngày, phụ nữ Việt thường phải bận rộn với công việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc và nhiều việc không tên khác... Tuy...

© Bản quyền thuộc về TRUNG TÂM TINH DẦU THÔNG ĐỎ HÀN QUỐC EDALLY BH. Thiết kế bởi hpsoft.vn
Gọi ngay: 0902158663
messenger icon zalo icon