Ngoài việc kiểm soát các yếu tố tác động từ bên ngoài như một số thuốc đường uống, tác hại từ ánh nắng mặt trời,... thì liệu pháp điều trị tại chỗ vẫn đang là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên, bạn phải biết rằng tăng sắc tố và nhất là nám cho đến hiện nay vẫn không có phác đồ điều trị chung hay tiêu chuẩn nào và cũng không 1 phác đồ nào cam kết hiệu quả trong mọi trường hợp. Trong đó, Hydroquinone (HQ) đường bôi vẫn đang được coi là "tiêu chuẩn vàng".
Nếu bạn bị nám, hay thâm lâu năm hay dưỡng hoài không thấy sáng hay đen mà đơn giản muốn sáng trắng nhanh thì tiêu chuẩn hiệu quả nhất hiện giờ vẫn là Hydroquinone. Nếu không phải nồng độ 4% thì bạn có thể cân nhắc 2% Hydroquinone cũng được.
Tuy nhiên ai cũng biết những tác dụng phụ có thể gặp nhất là dùng liều cao HQ hay việc giới hạn thời gian sử dụng Hydroquinone luôn phải được lưu ý. Thậm chí khó khăn hơn khi dùng HQ xong rồi bạn phải làm gì để duy trì hiệu quả mà HQ mang lại khi không sử dụng HQ nữa?
Có một chuyện bạn cần lưu ý rằng, tất cả các hoạt chất dưới đây gần như đều lấy HQ làm tiêu chuẩn để so sánh và dù có nghiên cứu cho rằng hiệu quả "tương đương" nhưng thực tế sử dụng cá nhân mình và các khách hàng đều không thấy hiệu quả bằng. Thậm chí khó hơn nữa là, nếu bạn bị nám thì khả năng tái đi tái lại vẫn có thể xảy ra. Vì vậy người ta vẫn liên tục tìm kiếm và lựa chọn các hoạt chất khác nhau, có thể sử dụng 1 mình hoặc phối hợp, nhằm khắc phục được nhược điểm đơn giản là vấn đề kích ứng / viêm da kích ứng do HQ mang lại hay đơn cử là chuyện không thể sử dụng HQ lâu dài. Cân nhắc giữa lợi và hại, lâu dài hay ngắn hạn mà bạn lựa chọn các hoạt chất cho phù hợp nhé.
Đó cũng chính là lí do vì sao chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến các tác nhân non-hydroquinone trong điều trị chứng tăng sắc tố da (đặc biệt là với những cá nhân đã trải qua một đợt điều trị với HQ).
Một số chất bôi ngoài da có bề dày nghiên cứu và các bằng chứng về hiệu quả lâm sàng đối với chứng rối loạn tăng sắc tố da bao gồm: Kojic acis, Azelaic acid, Mequinol, Retinoids, Licorice, Arbutin, Soy, N-acetyl glucosamine và Niacinamide…Trong giới hạn bài viết này mình sẽ đi qua về các thành phần phổ biến thường gặp và các hãng hay sử dụng nhất nhé.
Azelaic Acid (AZ) là một axit dicarboxylic chín cacbon, bão hòa, có nguồn gốc tự nhiên (có thể tìm thấy trong lúa mạnh, lúa mì hay cả trên da)
Azelaic Acid ban đầu được phát triển như một chất chống mụn trứng cá tại chỗ nhưng do tác dụng lên tyrosinase và thậm chí là lên các tế bào melanocytes hoạt động bất thường nên nó cũng được sử dụng để điều trị các rối loạn tăng sắc tố, bao gồm nám má và cả các lentigo maligna (ung thư hắc tố da)
Cơ chế hoạt động của Azelaic Acid không chỉ dừng lại ở việc ức chế hoạt động của enzym tyrosinase mà bao gồm cả việc tác động chọn lọc gây độc các tế bào sắc tố tăng động hay hoạt động bất thường thông qua ức chế tổng hợp DNA và tác động đến hoạt động của ty thể.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng Azelaic Acid hiệu quả hơn Hydroquinone 2%. [1] Dựa trên kết quả này, một nghiên cứu mù đôi [2] trên 329 phụ nữ cũng đã chỉ ra rằng nồng độ 20% AZ tương đương với 4% hydroquinone trong điều trị nám da, nhưng không có tác dụng phụ mang lại như HQ.
Việc kết hợp Tretinoin và Azelaic Acid mang lại kết quả vượt hơn mong đợi. Một nghiên cứu cho thấy tretinoin cho kết quả hiệp lực với Azelaic Acid khi mang lại làn da sáng hơn so với sử dụng AZ 1 mình sau 3 tháng. [3]
Một nghiên cứu khác kết hợp azelaic acid 20% với 0.05% tretinoin cũng cho kết quả khẳng định hiệu quả ở mức trung bình trên nám má với cải thiện tầm 39% (MASI score) [4]
[1] Verallo-Rowell VM, Verallo V, Graupe K, et al. Double-blind comparison of azelaic acid and hydroquinone in the treatment of melasma. Acta Derm Venereol (Stockh). 1989; 143 (suppl):58- 61.
[2] Baliña LM, Graupe K. The treatment of melasma. 20% azelaic acid versus 4% hydroquinone cream. Int J Dermatol. 1991 Dec;30(12):893-5. doi: 10.1111/j.1365-4362.1991.tb04362.x. PMID: 1816137.
[3] Breathnach AS. Melanin hyperpigmentation of skin: melasma, topical treatment with azelaic acid, and other therapies. Cutis. 1996 Jan;57(1 Suppl):36-45. PMID: 8654129.
[4] Hazra, S., Siddique, M., Khondker, L., Khan, M., & Mahmud, M. (2014). The Role of Combination of 20% Azelaic Acid with 0.05% Tretinoin Cream in the Treatment of Melasma. Bangladesh Medical Journal, 40(2), 26-30.
Tranexamic acid (TA) là một chất ức chế plasmin được sử dụng để chống tiêu sợi huyết và do đó được làm chất cầm máu, điều trị và ngăn ngừa chảy máu quá nhiều.
Năm 1979, nó được phát hiện là có tác dụng đối với nám da. Ngoài ra, các ứng dụng tiềm năng của Tranexamic acid cũng bao gồm chữa trị tăng sắc tố sau viêm và chứng đỏ da rosacea, mặc dù vậy vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh tác dụng này.
Tranexamic acid được sử dụng hiện nay có thể ở dạng uống, bôi ngoài da hoặc tiêm vào hạ bì.
Các nghiên cứu về cơ chế của Tranexamic acid hầu hết đều được thực hiện ở đường uống và theo nhiều cơ chế khác nhau từ ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào sắc tố cũng chư ức chế cạnh tranh với tyrosinase.
Tranexamic acid đường bôi gần đây nhận được nhiều sự quan tâm của các hãng dược mỹ phẩm với nồng độ từ 3-5% theo 1 số nghiên cứu được cho là có hiệu quả tương đương với 2-4% HQ mà không gây kích ứng và ít tác dụng phụ hơn.
Tranexamic acid đường bôi thường được kết hợp với các hoạt chất khác trong các nghiên cứu trên da nám để đem lại hiệu quả hiệp lực hơn là nghiên cứu đơn lẻ, ví dụ như niacinamide, kojic acid…
Kojic Acid là một sản phẩm nấm ưa nước, tự nhiên có nguồn gốc từ một số loài Acetobacter, Aspergillus và Penicillium
Hoạt động bằng cách ức chế men tyrosinase đồng thời cũng là một chất chống oxy hóa mạnh.
Kojic Acid được sử dụng với nồng độ từ 1 đến 4%.
Một nghiên cứu so sánh kết hợp Kojic acid 2%/glycolic acid với HQ 2%/glycolic acid cho thấy không có sự khác biệt về mặt thống kê. Tuy nhiên Kojic acid gây nhiều kích ứng trên da ghi nhận dc. [1]
Bạn có thể cân nhắc kojic acid nếu da khó dung nạp các liệu pháp tại chỗ khác. Tuy nhiên lưu ý là kojic acid có thể gây viêm da tiếp xúc, mẫn, ban đỏ.
[1] Garcia A, Fulton JE Jr. The combination of glycolic acid and hydroquinone or kojic acid for the treatment of melasma and related conditions. Dermatol Surg. 1996 May;22(5):443-7. doi: 10.1111/j.1524-4725.1996.tb00345.x. PMID: 8634807.
Arbutin, dẫn xuất beta-D-glucopyranoside của Hydroquinone. Arbutin đã được sử dụng thành công trong điều trị rối loạn tăng sắc tố.
Thường thấy trong mỹ phẩm sẽ có α- hoặc β-arbutin, trong đó β-arbutin là thể nổi trội và chiếm đa số. Khi nói đến arbutin người ta sẽ gần như mặc định cho là β-arbutin (thường được tìm thấy trong tự nhiên từ việt quất, lê, hay lúa mì), α-arbutin và các dẫn xuất arbutin khác được tổng hợp bằng các phương pháp hóa học và enzym.
Arbutin hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh với tyrosinase mà không ảnh hưởng đến biểu hiện và sản xuất tyrosinase.Ngoài ra, sở hữu các đặc tính chống oxy hóa cũng góp phần giúp cho tác động của arbutin trong việc ức chế tổng hợp melanin.
Vẫn có bất đồng về việc liệu arbutin hoạt động bằng cách bị phân hủy thành hydroquinone và glucose hay không. Một số nghiên cứu chỉ ra Hydroquinone vẫn có trong một số sản phẩm mỹ phẩm chứa arbutin tùy thuộc vào quy trình sản xuất, điều kiện bảo quản. Ngoài ra hệ vi sinh trên da vẫn có thể chuyển hóa arbutin 1 phần thành hydroquinone. [1][2][3]
Tác dụng của arbutin phụ thuộc vào liều lượng, nồng độ và ít độc hơn hydroquinone. Nồng độ thường gặp của α-arbutin lên đến 2% và β-arbutin lên đến 7%.
Bạn có thể đọc đâu đó rằng α-arbutin ổn định và hiệu quả hơn β-arbutin. Tuy nhiên cho đến hiện nay mình chưa tìm thấy một nguồn khoa học nào khẳng định từ in vitro đến in vivo.
Deoxyarbutin là một dẫn xuất mới được phát triển gần đây của arbutin được sản xuất bằng cách loại bỏ các nhóm hydroxyl khỏi phân tử. Trong các nghiên cứu in vitro và cả in vivo đều cho nhiều kết quả đầy hứa hẹn của Deoxyarbutin khi so sánh với HQ hay arbutin. Tuy nhiên vẫn có một mối lo ngại rằng deoxyarbutin có thể bị phân huỷ để tạo ra hydroquinone.
[1] Jeon, J.S.; Kim, B.H.; Lee, S.H.; Kwon, H.J.; Bae, H.J.; Kim, S.K.; Park, J.A.; Shim, J.H.; Abd El-Aty, A.M.; Shin, H.C. Simultaneous determination of arbutin and its decomposed product hydroquinone in whitening creams using high-performance liquid chromatography with photodiode array detection: Effect of temperature and pH on decomposition. Int. J. Cosmet. Sci. 2015, 37, 567-573.
[2] Avonto, C.; Wang, Y.H.; Avula, B.; Wang, M.; Rua, D.; Khan, I.A. Comparative studies on the chemical and enzymatic stability of alpha- and beta-arbutin. Int. J. Cosmet. Sci. 2016, 38, 187-193.
[3] Bang, S.H.; Han, S.J.; Kim, D.H. Hydrolysis of arbutin to hydroquinone by human skin bacteria and its effect on antioxidant activity. J. Cosmet. Dermatol. 2008, 7, 189-193.
Tham khảo các sản phẩm Mỹ phẩm thuần chay The Nature Book tại: https://edallyhanquoc.vn/my-pham-the-nature-book-han-quoc.html
Retinoids, cụ thể hơn là Tretinoin, lần đầu tiên được sử dụng kết hợp với HQ làm chất tăng cường thâm nhập, nhưng sau đó được công nhận là có tác dụng riêng đối với sự hình thành hắc tố.
Tretinoin ảnh hưởng đến nhiều bước trong quá trình hình thành sắc tố.
Tretinoin thúc đẩy quá trình mất sắc tố nhanh chóng thông qua quá trình tái tạo biểu bì và tăng lưu lượng biểu bì làm giảm thời gian tiếp xúc giữa tế bào sừng và tế bào hắc tố.
Tretinoin cũng được cho là giảm hoạt động của tyrosinase, tác động ở mức độ sau phiên mã trên tyrosinase và protein liên quan đến tyrosinase.
So với các hợp chất phenolic như HQ, tretinoin mất nhiều thời gian hơn để tác động; Sự sáng lên đáng kể về mặt lâm sàng trở nên rõ rệt sau 24 tuần.
Ngoài ra, một số tác nhân khác (bao gồm cả nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc tổng hợp) cũng đã và đang được nghiên cứu về vai trò tiềm năng của chúng trong việc giảm sắc tố melanin. Mặc dù bằng chứng thực nghiệm cho thấy những lợi ích có thể có của chúng, các thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn đáng tin cậy hầu hết đều thiếu. Một số hợp chất được bào chế dưới dạng sản phẩm kết hợp và được tiếp thị bởi các công ty dược phẩm; nhiều loại có sẵn dưới dạng thành phần của các chế phẩm không kê đơn (OTC) như:
Axit ascorbic có đặc tính chống oxy hóa và ảnh hưởng đến quá trình hình thành hắc tố bằng cách giảm dopaquinone thành DOPA và ngăn chặn sản xuất gốc tự do và hấp thụ bức xạ tia cực tím. So sánh hiệu quả của 5% axit ascorbic và 4% hydroquinone ở 16 bệnh nhân bị nám da trong một nghiên cứu mù đôi, các tác giả kết luận rằng mặc dù Hydroquinone cho thấy một phản ứng tốt hơn, nhưng Axit ascorbic vẫn có vai trò nhất định trong việc điều trị nám. Trong một thử nghiệm open-label, 25% L-ascorbic acid được pha chế với chất tăng cường sự thâm nhập, đã được phát hiện có tác dụng đáng kể trong việc điều trị nám da.
Niacinamide có thể làm giảm sắc tố bằng cách ngăn chặn vận chuyển các túi melanosomes sau khi chứa đầy melanin từ melanocytes đến keratinocytes mà không có ảnh hưởng đến hoạt động của tyrosinase. Trong các nghiên cứu lâm sàng, Niacinamide làm giảm đáng kể tình trạng tăng sắc tố và tăng độ sáng da sau 4 tuần sử dụng.
Tham khảo các sản phẩm Mỹ phẩm Edally EX tại: https://edallyhanquoc.vn/my-pham-edally-ex-han-quoc.html
Mọi thông tin chi tiết về sản phẩm cũng như chính sách đại lý xin vui lòng liên hệ edallyhanquoc.vn qua Hotline/Zalo: 0902.158.663 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất
Chia sẻ bài viết:
건강미인의 에너지 비법
TRUNG TÂM TINH DẦU THÔNG ĐỎ HÀN QUỐC EDALLY BH
BT 09 - KĐT Resco, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Phố Tăng, Đông Hưng, Thái Bình, Việt Nam
0902.158.663 / 0908.062.668
edallyhq@gmail.com